16/1/13

Trà đàm về khái niệm "Nhận thức", "Suy diễn" và "Suy nghĩ" phần đầu

Khi sử dụng chữ “nhận thức”, hiền giả Minh Triết sử dụng đó là cái thấy, cái trí thấy của mình, cái thấy là cái thấy thuần khiết chứ không phải là tưởng tượng thấy. Cái thấy thuần khiết là cái thấy trước khi một quan niệm xuất hiện trong đầu óc của anh, trước khi một đức tin xuất hiện trong đầu óc anh. Chỉ cái thấy thuần khiết kết hợp với sự kiện thuần khiết mới dẫn tới nhận thức thuần khiết. Giác quan phát triển trong tình huống đó thì nó mới đưa về não, não mới cho ra nhận thức thuần khiết. Khi anh phát triển nhận thức thuần khiết này thì tình người của anh nó cũng phát triển rất thuần khiết.
 

Bây giờ bắt đầu chuyển qua phân tích thêm về nhận thức, suy diễn và suy nghĩ. Phần đó Bảo Tánh nêu ra đi, phần mà Bảo Tánh đã sưu tầm đó, nói tóm tắt thôi. Nói về khái niệm “nhận thức”, người ta giải thích khái niệm “nhận thức” như thế nào, người ta chỉ cái gì, nói về khái niệm “suy diễn” người ta chỉ cái gì, nói về khái niệm “suy nghĩ” người ta chỉ cái gì. Đa số là trong triết học và tâm lý học phải không? Bây giờ mình bàn ba khái niệm đó xem người ta chỉ cái gì để mình bình dân hóa, đơn giản hóa những khái niệm đó sao cho nó dễ hiểu.

Bảo Tánh: Định nghĩa nêu “Nhận thức là nền tảng kinh nghiệm hướng dẫn mọi hành động có ý thức...”

Thầy: Họ định nghĩa như thế mình chỉ nghe như vậy thôi chứ mình không đi sâu vô việc định nghĩa của họ. Bây giờ mình nói một cách nôm na về chuyện của mình thôi, về khả năng hoạt động của đầu óc và giác quan của mình.

Mình dùng như thế này cho dễ hiểu này. Bây giờ mình có trí thấy. Trí thấy này tự có và có sẵn. Trí thấy đó đi liền với các giác quan, trong đó có các giác quan về tai, mắt, cảm xúc… Khi sử dụng giác quan thì trí thấy biến thành nhận thức. 

 Ví dụ như con mắt tôi thấy biển bữa nay sóng lớn, thấy sóng đánh lên đánh xuống, thấy sóng dội lên dội xuống, thì đầu óc mình nhận thức rằng: Biển thế này là gió đang rất lớn, gió đang rất lớn nên mới tạo ra những con sóng như vậy. Khi nhận thức như vậy mình mới tính như thế này: Tắm thì chắc không được rồi, còn tàu bè ra ngoài biển phải coi chừng không được tốt. Như vậy là từ giác quan tiếp xúc, trong trí thấy tạo ra nhận thức. Dĩ nhiên quá trình lặp đi lặp lại thì ra kinh nghiệm. Hễ thấy sóng lớn thì biết có gió, mà biết có gió thì tàu đừng ra biển, hay gió lớn cỡ nào, sóng cao thấp cỡ nào thì tàu có nên ra biển hay không nên ra biển. Quá trình đó tích luỹ thành kinh nghiệm. Nhưng bây giờ mình không đi sâu như vậy, mình chỉ cạn cạn thôi.

Trí thấy, trí biết tự có và có sẵn, phối hợp với các giác quan thì nhận thức sẽ phát triển. Nhận thức thì thường nhận thức về hiện tượng và bản chất. Hiện tượng sóng, hiện tượng gió lớn, hễ có gió lớn thì có sóng to, rồi nó sẽ đập. Thì nhận thức phát triển giống như vậy, tức là có sự tham gia của các giác quan. Trên nền trí thấy, trí biết có sẵn, hoạt động của giác quan tạo ra nhận thức. 

Ví dụ bây giờ mắt mình mù, nhãn quan bị mù nhưng nếu lỗ tai nghe tiếng sóng đánh ầm ầm, và nghe âm thanh gió thổi nếu mình ở trong phòng, còn nếu ở ngoài thì gió thổi vào làn da thì mình biết sức gió nó mạnh cỡ nào. Thì nó phát triển nhận thức. Từ trong trí thấy, trí biết đó cộng với sự tiếp xúc của giác quan làm mình phát triển nhận thức. Thì nhận thức cái gì? Nhận thức tình trạng của sóng, tình trạng của gió, nhận thức về vấn đề nguy hiểm, về vấn đề không an toàn… thì nó đẻ ra một loạt các nhận thức. Vậy thì nhận thức sẽ phát triển từ các giác quan tiếp xúc với thế giới bên ngoài làm cho trí thấy, trí biết sẵn có phát triển theo các nhận thức sâu hay cạn hay là rộng hay hẹp. Đó gọi là nhận thức. Mà nhận thức đó hết sức trực tiếp, hết sức cụ thể trên sự kiện, chứ nhận thức đó không phát triển trên quan điểm.

Tuệ Tri: Cái này có sự tham gia của bộ não.

Thầy: Thì đó, đương nhiên. Mình nói tới giác quan là liên quan tới não. Giác quan đương nhiên dẫn thông tin về não. Não cho ra nhận thức. Tức là trung tâm não sẽ phân tích các thông tin đó.

Tuệ Tri: Tức các hình ảnh, âm thanh chuyển về não.

Thầy: Nó chuyển về não hết, não xử lý. Đương nhiên khi nói đến nhận thức là liên quan đến não. Nhiều khi não không bình thường thì trí thấy vẫn hiện hữu. Nhưng đã nói tới nhận thức là phải nói hoạt động của não tốt, nó mới xử lý các thông tin do các giác quan đem lại. Những thông tin đó gọi là những thông tin cụ thể, mang tính sự kiện. Nhưng mà có những thông tin mà do mình nghe, do ai vẽ ra, do ai tưởng tượng, do ai đặt điều ra... thì nó cũng phát triển sự nhận thức nhưng nhận thức đó không chuẩn. Nhận thức đó có thể mang tính suy diễn. Ví dụ nghe người đó kể như vậy, mình nghe như vậy, như vậy... Tự nhiên trong người anh phát triển một thứ nhận thức lệch lạc, nhận thức đó không chuẩn nữa bở vì tất cả những thông tin đó không phải là sự kiện mà thông tin đó có thể người ta bịa đặt. Với suy diễn nó dẫn tới những nhận thức từ suy diễn.

Nhận thức đi từ nguồn nào? Nhận thức nguyên thủy, nhận thức thuần khiết, hay là nhận thức đã bị các thông tin chi phối vào, đã bị các quan điểm chi phối vào? 

Hiền giả Minh Triết phải chú ý tới nhận thức thuần khiết hay nhận thức do các giác quan phối hợp với các thông tin mang tính sự kiện, chứ không phải từ sự nghe ai đó, từ sự thêu dệt, từ sự tưởng tượng, từ suy diễn. Phải coi chừng, nhận thức đó không phải nhận thức thuần khiết, nhận thức tinh khiết. Khi mình nói tinh khiết có nghĩa là không có ý tưởng của ai can thiệp vô. Thông tin người ta dựng lên thì thiếu gì thông tin, đúng không? Nhiều lắm, thì nó cũng tạo ra cho mình nhận thức. Nhận thức của mình hướng về thông tin đó nhiều khi sai lầm, cho nên mình chỉ tin cái nhận thức từ các thông tin mang tính sự kiện mà thôi. 

Ví dụ như mình tưởng tượng thế này, ông đó ổng tu nhiều kiếp rồi, kỳ này tái sinh là kiếp thứ mười sáu. Trong đầu mình mở ra nhận thức thuộc loại nhận thức suy diễn: Chắc ông này có thần thông lớn, có này kia nọ khác, thì bắt đầu nhận thức suy diễn dẫn anh tới hành động sai trái. 

Loại nhận thức xuất phát từ sự suy diễn, từ những thông không chính xác, từ những thông tin tưởng tượng, từ những thông tin tự vẽ nên, từ những hiện tượng tưởng tượng, từ những hiện tượng đó người ta vẽ nên, người ta tạo thông tin để làm cho đầu óc anh hình thành một số ý tưởng gì đó. Nhận thức phát triển trong mớ bòng bong đó thì nhận thức đó không thể nào chính xác được, nhận thức đó sẽ rất lệch lạc. Nhận thức nói nôm na là như vậy. Các hiền giả Minh Triết phải lắng nghe và phải nhận biết được nhận thức này là nhận thức thuần khiết hay bị ảnh hưởng bởi những điều tưởng tượng, suy diễn hay những quan niệm.

Tuệ Tri: Thế thì đa phần là bị nhận những thông tin từ khái niệm tưởng tượng.

Thầy: Những luồng thông tin nó kinh khủng lắm.

Tuệ Tri: Nó không chính xác, thành ra là thông thường đều bị lệch.

Thầy: Nó tạo ra thông tin để hướng nhận thức anh đi. Anh nhận thức là có Thượng đế, có Chúa, có thiên đàng, ngạ quỷ… Có đủ thứ. Tức là người ta tạo thông tin để làm cho cái trí biết, trí thấy tự có của anh phát triển một thứ nhận thức mà người ta định hướng sẵn cho anh. Mà cái đầu của mình lại rất là thiên biến vạn hóa. Người ta tạo cho anh hình ảnh trong đầu, giống như lúc anh muốn quá thì hình ảnh đó nó sẽ thành thật. Anh muốn gặp thần thánh, người ta tạo cho anh hình ảnh thần thánh là như thế, tóc tai, hình dáng như thế, đi trên mây, trên gió... Người ta vẽ ra một hình ảnh và hướng dẫn cho anh hình ảnh như vậy. Khi anh tiếp nhận thông tin thì nó hình thành luôn hình ảnh trong đầu. Và khi anh muốn quá thì cái hình đó biến thành thật ngay trước mắt anh. Có thể anh thấy người đó đứng giữa hư không, có khi anh tưởng tượng người đó đang đứng vỗ vai mình, mình dòm mình thấy, có khi anh dòm vô vách tường anh thấy. Khi anh muốn thấy quá thì nó sẽ biến thành giống như thiệt. Đó là sự kỳ ảo của đầu óc. Và nó cũng dẫn anh tới những nhận thức lệch lạc.

Cho nên hàng ngày chúng ta tiếp nhận không biết bao nhiêu là lượng thông tin vào trong đầu óc chúng ta, nó làm cho nhận thức của chúng ta biến chất toàn bộ mà chúng ta không hề biết tới. Vì vậy mới yêu lầm, nghe lầm, rồi mới bị người ta lường gạt, rồi mới gọi là tiền mất tật mang. Chứ làm sao mà tiền mất tật mang được, làm sao mà bị gạt được? Là vì những luồng thông tin phức tạp nó định hướng nhận thức của anh, nó làm cho nhận thức của anh mở theo hướng đó. 

Ví dụ bây giờ thầy nói thầy là đại diện cho một đấng tối cao, đấng đó có hình thù ánh sáng như thế này, có thể quý vị không tin nhưng mà chắc gì không có người tin. Thế nào cũng có người tin. Chắc chắn sẽ có một số người, người ta tin. Bởi vì mình cố tạo cho người ta một thứ thông tin, mình vẽ ra một thứ hình ảnh mà để định hướng nhận thức của người ta mở về hướng đó. Cuối cùng rồi sao? “Mấy ông không tin thôi chứ tôi thấy có thật!”. Bởi vì cái đầu mình muốn là mình sẽ thấy. Bởi vì người ta đã cho anh cái ảnh trong đầu rồi, mình muốn quá thì nó sẽ thành thật, cái ảnh nó thành thật, tức là mình thấy giống y như trước mặt mình, hay là mình thấy trên vách tường, thấy chung quanh, mình thấy trên đầu giường, hay mình thấy đâu đó, thấy trên cái bình hoa, thế nào cũng thấy. 

Hay bây giờ mình ngồi nè, mình muốn có ai đó nhập vô mình coi thử xem sao. Mình tưởng tượng ông đó có râu dài, âm thanh rền vang. Mình có hình ảnh rồi tự nhiên có người nhập và âm thanh rền vang thiệt. Tôi đã kể cho quý vị nghe người đại diện cho Ngọc Hoàng Thượng Đế ở Hà Nội rồi chứ gì? Ông đó có cái điện ngoài Hà Nội mà chiều cuối tuần là hàng trăm người đến tập trung đó, công an cũng không cản được. Sau cuối cùng nhiều công an tới nghe luôn. Bởi vì Ngọc Hoàng Thượng Đế về nhập vô ổng. Mỗi lần Ngọc Hoàng Thượng Đế nhập về là ổng nói giọng rền rền. Bởi vì hình ảnh người ta vẽ trong đầu người ta, hình ảnh thế này là Ngọc Hoàng Thượng Đế, tướng to mắt to, râu dài, âm vang vang. Thế là bắt đầu thành hình ảnh trong đầu và đến lúc nào đó người ta cảm thấy là có thiệt. Bữa nay ông Ngọc Hoàng Thượng Đế về tự nhiên giọng mình oang oang, hay lắm, cái đầu mình rất hay, mà nó tạo giọng mình cũng y như vậy, oang oang, gầm gầm. Tức là mình muốn sao nó ra y như vậy. Mà y như thiệt. Người ta bảo bình thường ông này không có giọng đó mà rõ ràng bữa nay ổng nói giọng đó. Từ xưa giờ ông không có giọng đó, chắc chắn là phải có người nhập vô ổng rồi. Mình đâu có biết là cái đầu của mình có thể biến đủ thứ giọng. Mình muốn giọng eo éo nó ra giọng eo éo, muốn giọng cong cong nó ra giọng cong cong, muốn giọng gầm gầm nó ra giọng gầm gầm, nó hay, đầu óc mình biến hóa vô lượng. Còn lưỡi và miệng mình phát ra âm mà. Hễ mình muốn vậy thì tự nhiên trong này nó phóng ra, vậy thôi. Thì quý vị muốn nói thầm thì quý vị nói thầm thôi. Có gì đâu mà khó. Quý vị muốn gầm thì gầm được. Có nhiều bà vợ nổi khùng bả gầm như sư tử, mà bình thường bả nói nhỏ nhẹ, bả hiền lắm, nói rất nhỏ nhẹ, nhưng bà nổi điên, bả gầm bất tử, bả gầm lên một phát cũng giống như sư tử vậy thôi. Mà khi người ta gầm lên một cái rồi thì người khác sợ, rồi cuối cùng lại bảo “không biết hồi nãy sợ sư tử chúa nó nhập vô người em nó gầm chứ em đâu có vậy, em hiền queo mà, cái giọng hồi nãy hình như sư tử chúa nó nhập vô, nó gầm to quá trời to”.

Cho nên cái đầu óc mình biến hóa ghê gớm. Âm lượng của mình cũng biến hóa ghê gớm lắm. Thì cái nhận thức, rất khó phân biệt thế nào là nhận thức chính xác, nhận thức trung thực, nhận thức thuần khiết. Người hiền giả chú ý là chú ý tới nhận thức thuần khiết, chính xác từ các sự kiện. Cái tai mình nghe phải coi chừng, mình nghe sự kiện, mình nghe âm thanh của sự kiện, chứ mình nghe người ta nói là coi chừng trật. Nghe âm thanh của sự kiện, nghe âm thanh của gió thổi, nghe âm thanh của biển gầm thét, còn nếu mình nghe ai đó mà rót vô là phải coi chừng.

Do đó cái thấy nhiều khi OK nhưng chưa chắc OK. Có lần ông Nhật Nhãn ổng nói với thầy: “Thầy à, có cái này chính mắt con thấy rõ ràng. Mà chưa có người nào qua mắt được con. Con thấy rõ ông đó ổng đem cái tủ, đem hai ổ khóa tới rồi ổng bỏ vô cục đá vô, con thấy rõ ràng. Rồi ổng khóa lại, rồi ổng hẹn con bao nhiêu lâu đó tới mở ra xem. Tới bữa đó ổng mở ra cho con xem, ổ khóa còn niêm phong, mở ra thấy hai cục đất bữa trước biến thành hai cục đá màu xanh đẹp lắm. Mà cái này rõ ràng tay con rờ, mắt con thấy. Không thể nào nó dối con được cả. Chắc chắn lắm. Ông này đúng là có thần thông biến đất thành đá quý. Cái này thầy cứ tin con đi, con là người không ai có thể nào dối lừa được con. Con cả đời làm việc quốc tế mà, ai mà dối con được. Mà mắt con thấy, con tới con sờ mà thầy. Con đâu có tưởng tượng đâu.”

Thầy chỉ nói thế này: “Ông Nhật Nhãn à, nếu nó làm được chuyện đó thì nó không cho ông thấy làm gì, nó làm thinh nó đi bán kiếm ăn chứ cho ông thấy làm gì. Cái gì nó cho ông thấy dù ông thấy có thật đi nữa cũng là đồ dỏm. Còn nó đã làm được làm sao mà ông thấy. Nó tới bán cho công ty vàng bạc đá quý nó kiếm tiền nó ăn chứ làm sao ông gặp nó được. Mà ông đã gặp nó thì nó là cái thằng lang thang, dứt khoát nó là thằng lang thang, mà thằng lang thang là thằng lừa đảo. Ông khỏi cần phải dòm nó. Khỏi cần phải biết nó làm gì. Nếu ngày nào ông thấy nó ở trong tiệm vàng bạc đá quý mà nó chuyên môn bán đá cho người ta, nó ký hợp đồng với công ty vàng bạc đá quý nó bán đá thì OK. Mà có khi nào ông gặp được cái thằng đó không? Có khi nào nó cho ông gặp không? Mà nó cố tình cho ông gặp thì nó là thằng ăn mày rồi. Nó không phải thằng ăn mày nó có cho ông gặp không, ông Nhật Nhãn? Chắc chắn là không. Cho nên thôi đừng kể chuyện đó cho thầy nghe cho phiền phức ra làm gì.” Thế ông mới bảo “Thầy nói con nghĩ có lý”. Bữa sau ông mở pháp âm ra. Ông mở được một tháng, ông bảo “Từ ngày con mở pháp âm sao cái thằng đó nó nghe nó bỏ đi đâu mất à. Nó bỏ đi mất không thấy nó tới nữa. Nó dọn nhà nó đi luôn rồi.”

Quý vị thấy đó, cái thông tin người ta cho mình, mắt mình thấy chưa chắc chính xác, chứ đừng nói tai nghe. Anh thấy nhưng mà chưa chắc đã chính xác. Chính thầy thấy vé máy bay lộn mấy lần rồi nè. 5 giờ sáng thấy thành 5 giờ chiều. Mà 5 giờ sáng và 5 giờ chiều cách nhau xa lắm đó. Thành ra một là trễ chuyến bay, hai là tới quá sớm. Có một lần ở Mễ Tây Cơ, không biết thế nào mà cứ tưởng 5 giờ sáng nó bay. Vô sân bay mình đứng hoài dòm không thấy ai hết, mình đưa cho người khác dòm họ bảo 5 giờ chiều. Thầy mới “Ủa, hôm qua giờ mình dòm thấy 5 giờ sáng hoài sao giờ trở thành 5 giờ chiều?” Mà con mắt mình thấy đàng hoàng, mình kiểm tra đi kiểm tra lại, vậy mà cái đầu cứ nhớ 5 giờ sáng hoài, đến buổi sáng sớm đó không biết cái gì khiến nữa mà trong đầu mình nghĩ phải đi sớm chứ không thôi bị trễ máy bay. 3 giờ sáng dậy rồi. Mắt mình thấy trên tờ giấy đàng hoàng. Cho nên đừng có ỷ lại, mắt mình thấy cũng đừng ỷ lại.

Tuệ Lực Nhãn: Giống như đi mát-xa Thái. Người ta để giá là 359 baht mà trong đầu con cứ nghĩ là còn thêm một baht nữa là bằng 400. Mắc cười lắm. Nghĩa là nó tính giống như 60. Tức là thay vì 100 baht, ví dụ 59 thì cộng thêm 41 baht nữa mới tới 100 mà trong đầu con cứ nghĩ còn có 1 baht nữa là 400. Tức là theo con tính quy định trong đầu tiền giờ giống như một giờ bằng 60 phút, một phút bằng 60 giây.

Thầy: Sau đó thầy mới thấy cái lý do làm sao mình lại thấy kỳ vậy. Thì phát hiện ra là trong quá trình đó cái đầu mình nó chớp ra một ý tưởng là mình muốn bay về Mỹ sớm để buổi chiều hôm đó làm công việc khác. Chỉ vì cái ý muốn đó thôi mà cứ dòm buổi chiều thành buổi sáng. Mà mình muốn buổi sáng, cái chữ “muốn” đó, cái ý tưởng “muốn” đó hiện ra có chút xíu, tích tắc trong một giây nào đó thôi, giai đoạn nào đó thôi mà cứ dòm ra buổi sáng không. Quý vị thấy không, cái đầu mình kỳ cục lắm, hễ mình muốn thì sự thật là buổi chiều thì thấy thành buổi sáng. Chứ đừng nói chi là cái chuyện nó không rõ ràng.

Bảo Tánh: Ngay cả nghe cũng vậy, muốn nghe cái gì là sẽ nghe thấy cái ấy.

Thầy: Ừ. Cho nên mấy người thầy bói hay đánh tâm lý. Cũng không nhất thiết là thầy bói, mấy người tán tỉnh nhau, lừa nhau cũng vậy, đầu tiên người ta tìm hiểu anh muốn nghe cái gì. Người ta định hướng nhận thức cho anh. Cho nên quý vị coi chừng, ai muốn có người nhập thầy bày cho, dễ lắm. Y chang có người nhập luôn. Cần thì lát nữa thầy dẫn ra bờ biển thầy bày cho rồi thử coi. Đầu tiên thầy cho quý vị hình ảnh người sẽ nhập, xong rồi thầy nói quý vị lộn lên lộn xuống, té, la hét hai ba lần. Cứ la hét như vậy một lát hồi là mình mất chủ động luôn, hình ảnh mà mình muốn bắt đầu nó phát ra, y chang, không khác. Lúc đó lấy kim châm không biết đau ngoại trừ thả mấy con rắn độc ra, sợ quá mới tỉnh thôi. Chứ không nó vẫn có trạng thái đó. Nhận thức của mình rất buồn cười.

Tóm lại vấn đề là nhận thức của mình rất dễ bị sai lệch. Mà sai lệch là do nguồn thông tin mình tiếp nhận. Nên quý vị xem đài, xem báo riết coi chừng rối loạn hết cái đầu. Giống như thế này: Hai đội bóng quốc tế thi đấu với nhau, nó có dính dáng gì tới mình đâu mà lát hồi mình cũng theo một phe. Mình thích phe nào mình theo phe đó, mình cứ ngồi tung hê cho phe đó hoài thôi. Hễ phe đó lỡ thua mình cũng khóc. (Cười). Phe đó thua mình cũng khóc nữa. Nó rất buồn cười. Nhận thức của mình rất dễ bị lệch nhé. Không phải đùa. Quý vị nhớ nhé.

Thành ra trở lại vấn đề nhận thức. Quý vị nhớ tóm tắt thế này. Khi sử dụng chữ “nhận thức”, hiền giả Minh Triết sử dụng đó là cái thấy, cái trí thấy của mình, cái thấy là cái thấy thuần khiết chứ không phải là tưởng tượng thấy. Cái thấy cũng vậy. Nó phải thuần khiết. Cái thấy đó nó không bị quan niệm chi phối.

Thế nào là một cái thấy bị quan niệm chi phối?

Chắc là quý vị hình dung được. Ví dụ như anh thấy thế này: “Nông dân phải là người làm chủ đất nước bởi vì nông dân người ta bám ruộng, bám vườn, bám đất đai. Người đó thực sự là người yêu nước, là người có gốc có rễ, cho nên người đó mới thực sự làm chủ đất nước.” Anh ảnh hưởng từ học thuyết nào đó không biết, anh cứ thấy vậy. Thì cái thấy đó là cái thấy xuất phát từ một quan niệm, từ một niềm tin nào đó, chứ không phải là cái thấy thuần khiết.

Cái thấy thuần khiết là cái thấy trước khi một quan niệm xuất hiện trong đầu óc của anh, trước khi một đức tin xuất hiện trong đầu óc anh. Chỉ cái thấy thuần khiết kết hợp với sự kiện thuần khiết mới dẫn tới nhận thức thuần khiết. Giác quan phát triển trong tình huống đó thì nó mới đưa về não, não mới cho ra nhận thức thuần khiết. Và người học phương pháp này, các hiền giả Minh Triết là phải phát triển nhận thức thuần khiết. Mình dùng chữ “phát triển trí thấy” thì cũng OK, những nói đúng ra là “phát triển nhận thức thuần khiết”. Phát triển nhận thức thuần khiết là yếu tố quyết định lớn lao.

khi anh phát triển nhận thức thuần khiết này thì tình người của anh nó cũng phát triển rất thuần khiết. Rồi từ tình người thuần khiết này, anh cho nó chảy vô chỗ nào thì nó mới ra cái tình đó. Chảy vô đôi lứa thì ra tình đôi lứa, chảy vô tổ quốc thì ra tình tổ quốc, chảy vô thiên nhiên thì ra tình thiên nhiên, chảy vô mèo chó thì ra tình với động vật, v.v… Chảy vô đâu thì ra tình đó. Đại loại giống như vậy.

Nhưng mà thế này, khi nói tới chỗ này tôi trở lại chuyện hồi sáng mà chúng ta bế tắc. Tại sao tình đôi lứa rất dễ bị đứt đoạn? Mà chúng ta phải coi chừng để tìm cách gỡ cái này. Trong khi cái tình với động vật, một người có thể nuôi một con vật cho đến hết cả đời con vật đó người ta không đổi, tình đó không đổi nhé, đúng vậy không, thương nó là thương trọn đến khi nó chết thì thôi. Không đổi. Nó không đổi mà mình cũng không đổi luôn. Người chủ không đổi mà nó cũng không đổi. Trong khi đó, con người phải hay hơn con vật chớ, thế mà làm sao giữa chừng con người lại đổi? Ngộ thiệt. Đúng không? Cho nên khi nó nói “chuyện gia đình tôi đang có vấn đề”, là nó đang đổi đấy. Đang đổi. Mà tại sao con vật mình nuôi nó mình không đổi cho đến khi nó chết thì thôi. Mà nó chết mình vẫn nhớ vẫn thương nó như thường. Hay là nó ngoắc đuôi với mình suốt đời mình đâu có biết được phải không? Bây giờ cái đó mình đặt nghi vấn để mình suy nghĩ làm sao tìm ra giải pháp để tình đôi lứa không thay đổi. Khó nhỉ.

Đấy, cái nhận thức từ trí thấy thuần khiết, trí thấy tự có, nó phối hợp với não, phối hợp với các giác quan, nó tiếp nhận thông tin để phát triển nhận thức thuần khiết. Nó phát triển tình thương thuần khiết. Rồi từ tình thương thuần khiết ra các thứ tình thương có điều kiện khác. Còn tình thương thuần khiết là không có điều kiện. Nhưng các thứ tình thương khác là có điều kiện hết. Kể cả tình thương tổ quốc. Tình thương có điều kiện là như thế nhưng mà bản chất của tình thương là tự nguyện, cho đi, dâng trào, tuôn chảy. Nói tới tình thương là một thứ tình cảm anh chia sẻ giá trị gì đó theo tính chất một chiều, trong cái tình cảm nồng nàn nhất, đó gọi là tình thương. Mặc dù có điều kiện. Nhưng cái chữ “điều kiện” đó là điều kiện để cái tình nguyên thủy đó nó tuôn chảy.

Còn tình yêu có điều kiện mà mình dùng theo nghĩa tiêu cực là anh bắt người ta phải trả lại. Tôi chảy ra là anh phải chảy vô. Nhiều khi tôi chẳng chảy ra mà tôi bắt anh chảy vô. Đại loại vậy. Khi mình dùng chữ tình yêu có điều kiện tức là nó mang tính đó. Còn khi thầy dùng chữ “điều kiện” này tức là cái điều kiện bên ngoài để cái tình có sẵn bên trong nó chảy tới. Còn cái điều kiện trước đây mình hay dùng trong “tình yêu có điều kiện” là “tôi chẳng cần chảy mà tôi bắt anh chảy vô hoặc tôi chảy ra một chút tôi bắt anh phải chảy vô”, đại loại giống vậy.

Như vậy là mình tạm thông qua cái nhận thức nhé. Các hiền giả phải chú ý, bây giờ càng ngày càng phải phát triển nhận thức sâu về tính chất thuần khiết của nhận thức, để mình không nhầm lẫn về nhận thức lệch hướng. Đầu óc mình rất dễ bị lệch. Nhận thức mình rất dễ bị lệch. Quý vị phải nhớ, đó là yếu điểm trong đầu óc con người. Phải tập riết rồi nó quen đi.

Hết phần đầu.

Trích nội dung làm việc giữa Thầy và BBT
Pattaya, 23/10/2012
Tất cả các nội dung nói chuyện của tác giả Duy Tuệ do Công ty CP Đầu tư Giáo dục Minh Triết độc quyền phát hành dưới hình thức sách, CD và DVD. Mọi nhu cầu đặt và mua các ấn phẩm của tác giả, xin vui lòng liên hệ công ty tại website www.minhtriet.vn

15/1/13

Thầy Duy Tuệ thăm và làm việc tại các nước Đông Nam Á


Từ ngày 13-15/1/2013, Thầy Duy Tuệ đã có chuyến thăm ngắn ngày tại hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Tháp tùng cùng Thầy có các hiền giả Tịnh Tuệ, hiền giả Duy Trí Lực, hiền giả Tuệ Thiêng Ý, hiền giả Duy Duyên Nhẫn và vợ chồng hiền giả Duy Năng Pháp - Tuệ Lực Nhãn.

Trong ngày 14/11/2012, tại KSL Resort, Malaysia, Thầy Duy Tuệ đã có hai buổi làm việc với BBT về các chủ đề Trí thấy và "Đời sống thứ 3" và chủ đề Trí thầy và Linh cảm. Đây là hai chủ đề hoàn toàn mới và vô cùng quan trọng cho những ai đang theo học và thực hành phương pháp Duy Tuệ. BBT cũng sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất truyền tải những nội dung này đến cho mọi người.

Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến đi:
















 









































Nhóm biên tập